báo gia đình, ẩm thực, dịch vụ xe, kênh giải trí, mẹ và bé, giá xe ô tô, giá xe máy, du lịch, phun xăm thẩm mỹ, mua xe cũ, xu hướng làm đẹp, Mỹ phẩm, Mỹ phẩm Nhật, Báo asahi, Thắt lưng, Làm bác sĩ, Mỹ phẩm Nhật Bản, Sức khỏe, Làm đẹp dưỡng da, Dinh dưỡng sức khỏe

VINAGRI News - Thông báo số 146/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát hành ngày 13/4/2012, mãi đến ngày 16/8/2012, Bộ Công Thương mới ban hành Công văn số 7488/BCT-XNK gửi tới các Sở Công Thương địa phương thực hiện chỉ đạo việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo trong cả nước với quy định không quá 100 đầu mối. Điều này đã gây bức xúc cho giới DN trong ngành XK gạo.

Từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường XK gạo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng, nhiều DN vẫn không được tham gia XK gạo trực tiếp

Bởi hiện tại, đã có 99 DN đã được cấp phép và 36 DN đang trong giai đoạn “xem xét”. Câu chuyện “chạy đua” giành giấy phép XK gạo không phải là vấn đề mới kể từ khi NĐ 109 ra đời. Bởi theo Bộ Công Thương, trong tổng số 280 DN tham gia XK gạo trước đây đã giảm dần và chỉ còn 150 DN đầu mối có khả năng đáp ứng yêu cầu nên được cấp phép sau một năm triển khai thực hiện NĐ 109.

Nước đến chân, nhảy sao ?

Hiện là hội viên nhiều năm của Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hàng năm XK trên dưới 100.000 tấn gạo các loại, trong năm đầu thực hiện theo NĐ 109 (tính đến 31/12/2011), ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, DN đã nỗ lực đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị. Tất cả đều vượt các quy định đề ra. Riêng nhà máy xay xát bước đầu phải liên kết với một đơn vị khác nên đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép XK tạm thời một năm. Để hoàn thiện, DN tiếp tục đầu tư nhà máy xay xát với mong muốn đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của NĐ 109 để được hưởng XK dài hạn 5 năm. Trong năm 2012, DN nộp hồ sơ ra Bộ Công Thương nhưng đến nay vẫn chưa thấy “hồi âm”. Để có thể tham gia XK, DN của ông Tuấn buộc phải chuyển từ mô hình kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh ủy thác dù rằng DN của ông có “tuổi đời” hơn 20 năm và tạo lập nhiều mối quan hệ với các nhà nhập khẩu và thị trường XK. Ông Tuấn cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường XK gạo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhiều DN vẫn không được tham gia XK gạo trực tiếp. Bản thân DN ông Tuấn phải tốn “phí” ủy thác 5 USD/tấn gạo.

Câu chuyện DN của ông Tuấn không phải là trường hợp ngoại lệ, bởi theo ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thì việc không minh bạch trong suốt quá trình thực hiện NĐ 109 rồi “đột ngột” siết đầu mối XK gạo làm cho việc tiêu thụ lúa gạo của DN và người trồng lúa gặp thêm nhiều khó khăn. Có thể thấy rõ thực tế này tại vựa lúa lớn nhất của ĐBSCL là An Giang, khi có tổng lượng lúa hàng hóa vụ Đông Xuân đang thu hoạch và lúa tồn kho lên đến 1 triệu tấn. Trong khi đó, nếu theo quyết định mới đây của Bộ Công Thương, tỉnh này sẽ có nhiều DN không thể XK trực tiếp mà phải thông qua ủy thác do giấy phép XK gạo tạm thời một năm đã hết hạn, trong khi các DN có được những hợp đồng XK gạo giá cao đã được ký nhưng chưa thực hiện được. Ông Năng cho biết, nếu như trước đây khi NĐ 109 ra đời, không có ràng buộc về số lượng DN tham gia XK gạo, nên nhiều DN đã cố gắng đầu tư xây dựng, mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho chứa lúa, gạo, các máy móc chuyên ngành với số vốn lên tới hàng trăm tỉ đồng để đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh XK gạo, thì nay lại yêu cầu cấp giấy chứng nhận kinh doanh XK gạo không quá 100 đầu mối. Lúc này, Bộ Công Thương – cơ quan cấp phép mới ngừng việc thẩm tra kho bãi DN và đưa ra khuyến cáo DN xem xét lại việc xây kho bãi để tránh lãnh phí.

Chờ đợi giải pháp

Nhìn lại vụ lúa Đông Xuân (2012 -2013) qua chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo cho thấy, trong khi một số địa phương ở các tỉnh, thành ĐBSCL đang rộ vào vụ thu hoạch thì VFA lại không quan tâm và tự mình đưa ra “phán quyết” thời gian thực hiện thu mua nên đã tạo điều kiện cho các thương lái ép giá nhà nông, dẫn đến nông dân không hưởng được mấy trong chương trình thu mua tạm trữ này của Chính phủ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu nhấn mạnh: Bộ Công Thương đang có hướng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đầu mối XK gạo thay cho việc ấn định số lượng, đồng thời quy định bằng biện pháp kỹ thuật. Bộ Công Thương sẽ chủ trương thực hiện biện pháp nâng cao năng lực của thương nhân XK gạo bằng các biện pháp kỹ thuật như: địa bàn hoạt động, kho chứa, điều kiện cơ sở xay xát,... Các thương nhân sẽ được cấp phép XK gạo khi đáp ứng đủ các điều kiện trên.

Trước những kiến nghị của các lãnh đạo địa phương trong vùng ĐBSCL và giới DN ngành XK gạo, được biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới đây sẽ làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL để có đánh giá cụ thể về thực trạng các đầu mối XK gạo, từ đó có hướng tháo gỡ đảm bảo lợi ích cho DN và thúc đẩy XK gạo của cả nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích: Mở rộng đầu mối XK nhằm hạn chế quyền hành rơi vào một nhóm DN

Việc có nhiều DN tham gia XK gạo để tạo thêm tính cạnh tranh, giúp tiêu thụ lúa nhanh hơn với mức giá cao. Mở rộng đầu mối XK còn nhằm hạn chế quyền hành rơi vào một nhóm DN, từ đó thị trường vận hành tốt hơn. Những năm trước, cơ chế điều hành XK gạo cũng từng để cho mọi thành phần DN tham gia XK. Trong vai trò quản lý, Chính phủ chỉ uỷ quyền cho VFA kiểm soát bằng giá sàn, thị trường tập trung và đăng ký hợp đồng XK. Thị trường XK gạo theo đó vận hành.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong: Đề nghị tiếp tục cấp phép cho các DN đã hoàn thiện và đáp ứng đủ các điều kiện

Việc cấp phép kinh doanh XK gạo thuộc quyền của Bộ Công Thương. Việc giới hạn ở con số không quá 100 thương nhân là bởi trước đây, có nhiều trường hợp được cấp phép nhưng không XK mà chỉ làm cung ứng nguyên liệu nên Thông báo số 146 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới chỉ đạo Bộ Công Thương tạm ngưng việc cấp phép. Về quan điểm của VFA tiếp tục đề nghị với Thủ tướng và Bộ Công Thương tiếp tục cấp phép cho các DN đã hoàn thiện và đáp ứng đủ các điều kiện quy định của NĐ 109 được tham gia XK gạo.

GS, TS Võ Tòng Xuân: Các DN không dám nói

Chuyện bất hợp lý hiện nay đã có từ những năm trước, nhưng các địa phương, các DN trong ngành không dám nói, nếu phản ánh thì bị cắt quota, giảm chỉ tiêu, làm khó làm dễ. VFA và Tổng Cty Lương thực miền Nam là hai đơn vị, nhưng thực ra cũng chỉ như một, nắm hết quyền lực. Với cơ chế điều hành này thì nông dân là người làm ra hạt lúa nhưng không được toàn quyền bán sản phẩm do chịu sự chi phối của VFA và Tổng Cty Lương thực miền Nam. Nguyên nhân cũng do Nhà nước chưa có cách điều hành quản lý thật tốt thị trường lúa gạo, để các đơn vị trên mặc sức thao túng.

Nguồn : http://www.tintucnongnghiep.com

Back to Top